Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo “Dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử giai đoạn 2025- 2028”, do công ty nghiên cứu thị trường YouNet ECI và YouNet Media (thuộc YouNet Group) vừa ra mắt.
Thu nhập 30 triệu đồng/tháng, mua sắm online thoải mái
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc phân tích thị trường YouNet ECI cho biết cơ sở của dự báo tích cực này được căn cứ từ 3 cơ hội tăng trưởng.
Đầu tiên là thu nhập của người dân Việt Nam gia tăng dẫn đến chi tiêu cho thương mại điện tử tăng theo trong 5 năm tới. Thứ hai là xu hướng mua sắm kết hợp giải trí kích thích tiêu dùng. Cuối cùng là sự chuyển dịch đáng kể của những ngành hàng giá trị cao từ kênh offline lên thương mại điện tử.
Thực tế, theo khảo sát của YouNet Media với mẫu 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố tại Việt Nam cũng chỉ ra, 62,8% người tiêu dùng số (digital consumers) hiện chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử ít nhất một lần mỗi tuần, tức cứ ba người tiêu dùng số sẽ có 2 người chốt đơn mỗi lần/tuần.
Khi đào sâu phân tích nhóm người tiêu dùng số theo thu nhập, nhóm nghiên cứu nhận thấy có tỉ lệ thuận rõ rệt giữa mức thu nhập với tần suất mua sắm trực tuyến và kích thước giỏ hàng của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, với người có mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên thì họ mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu.
Cũng theo báo cáo trên, nếu xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần nhiều nhất thuộc về thế hệ gen Z và Millennials (thế hệ sinh năm 1981-1995) với tỉ lệ lần lượt là 53,4% và 46,6%.
Kiếm tiền từ gen Z và Millennials
Báo cáo trên chỉ ra, 51% gen Z cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội và 55% bị ảnh hưởng bởi micro-influencers (người có lượt theo dõi từ 10.000 - 100.000) khi chọn mua sản phẩm mới. Các sản phẩm thường mua trên thương mại điện tử chủ yếu thuộc danh mục thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân, với mức chi tiêu từ 4 USD đến dưới 20 USD/đơn.
Ước tính tới năm 2028, chỉ riêng 3 ngành hàng này bán cho gen Z có thể đạt tới trung bình 28,8 USD/giỏ hàng, tăng 2,3 lần so với 2023.
“Khi đó tổng chi tiêu của gen Z trên thương mại điện tử sẽ tăng từ 4 tỉ USD của năm 2023 lên 20,3 tỉ USD vào năm 2028”-báo có ghi rõ.
Không giống Gen Z, Millennials thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua, kể cả trong các livestream với nhiều ưu đãi. Top 3 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sắm của họ là: chính sách hoàn trả và bảo hành rõ ràng, phương thức thanh toán thuận tiện trên một nền tảng, và khả năng thỏa thuận thời gian giao hàng với người bán. Trong khi đó, giá cả và mã khuyến mãi chỉ đứng ở vị trí thứ 5 và 10.
Tuy nhiên, so với gen Z, tần suất mua sắm của gen Millennials nhiều hơn khoảng 1-3 lần/tuần, giá trị đơn hàng cũng cao hơn lên đến 125 USD. Ngoài các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thời trang và làm đẹp, Millennials còn chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.
Chính vì thế, tùy vào đối tượng mà chúng ta có các cách tiếp cận khác nhau.
"Ở gen Z, các doanh nghiệp nên hợp tác với influencers (người có ảnh hưởng) để tổ chức các buổi livestream tương tác trực tiếp, cung cấp ưu đãi độc quyền nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn. Việc hợp tác với micro-influencers có lối sống phù hợp cũng là một cách tiếp cận tiềm năng để thu hút và kết nối với Gen Z"- báo cáo viết.
Trong khi đó, với Millennials, 82% người tiêu dùng cho biết họ coi trọng lối sống cân bằng. Vì thế, đơn vị nghiên cứu đã khuyến nghị các thương hiệu thể thao và công nghệ giải trí nên xây dựng hoặc tài trợ cho các cộng đồng trực tuyến, giải thi đấu theo sở thích chung.
Đồng thời, Millennials cũng sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp công nghệ nâng cao tiện nghi gia đình, như thiết bị gia dụng và đồ điện tử tiêu dùng, qua các kênh mua sắm trực tuyến.
THU HÀ/Theo PLO